Các tour hái nấm rừng mùa mưa do người địa phương tổ chức thu hút đông khách trải nghiệm, nhưng chưa phải là sản phẩm du lịch chính thức của Đà Lạt.
Tour hái nấm là hoạt động du lịch theo mùa đặc thù ở Đà Lạt, diễn ra vào mùa mưa từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Thời điểm này nấm bắt đầu mọc nhiều dưới gốc thông trong các bìa rừng gần thành phố.
Chị Hà Khanh, sống tại Vũng Tàu, cho hay biết đến hoạt động hái nấm Đà Lạt cách đây 2-3 năm nhờ đọc các bài chia sẻ của du khách trên mạng xã hội. Tháng 6 năm ngoái và năm nay chị Khanh đều tham gia tour hái nấm khi đến Đà Lạt.
“Mùa mưa Đà Lạt ít chỗ chơi, đây là hoạt động thú vị nhất”, chị Khanh nói.
Chị và nhóm bạn bốn người đặt tour qua một người địa phương, giá một triệu đồng mỗi người, hái nấm trong khu vực Cầu Đất. Thành quả sau một ngày vào rừng của chị Khanh là 5-6 kg nấm rừng các loại như nấm gan bò, nấm trứng gà, kaki, nấm san hô.
“Tôi chế biến khoảng 500 g ngay buổi tối ở homestay, còn lại đem về nhà làm quà”, chị Khanh nói.
Anh Quốc Dũng, người dân Đà Lạt, thường dẫn khách trekking rừng và hái nấm, cho biết cách đây 20 năm, khi du lịch còn chưa phát triển, chỉ có người đồng bào sinh sống tại các vùng cao nguyên gần Đà Lạt vào rừng hái nấm. Những năm gần đây, du khách bắt đầu hứng thú với hoạt động mang tính địa phương này.
Hoạt động thường diễn ra trong ngày, từ 6h đến 10h. Hướng dẫn viên địa phương đến nơi lưu trú đưa đón khách bằng xe máy, sau đó trekking rừng thông và hái nấm. Anh cho hay trong kỳ nghỉ hè, các gia đình đưa con nhỏ lên Đà Lạt đông, tour hái nấm luôn kín lịch cả tuần. Mỗi buổi, anh Dũng chỉ nhận dẫn tối đa ba khách để tránh việc khách hái nhầm nấm độc.
Theo khảo sát của phóng viên, mùa mưa, du lịch Đà Lạt không có nhiều hoạt động trải nghiệm ngoài trời, trong các group du lịch, tour hái nấm được trao đổi sôi nổi nhất. Các bài đăng chủ yếu giới thiệu tour với hàng chục người địa phương đứng ra tổ chức. Nhiều group đăng tour hái nấm và các thông tin về nấm rừng thu hút hàng nghìn thành viên tham gia.
Theo anh Dũng, từ cuối tháng 6 đến hết tháng 8, lượng nấm sẽ ít dần. Nấm mọc nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thông thường sẽ mọc sau 2-3 ngày mưa liên tục và ngày tiếp theo có nắng. Khu vực hồ Tuyền Lâm và xã Dar Sar là hai địa điểm nhiều nấm mọc nhất. Các loại nấm dễ thấy là kaki, nấm gan bò, nấm trứng gà, nấm mỡ. Loại hiếm gặp nhất là nấm hoa đá hay còn gọi là nấm san hô. Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, không có vết côn trùng cắn, nếm nhẹ đầu lưỡi có vị đắng và the, nấm độc thường thấy là nấm vôi.
Để đảm bảo an toàn, anh luôn yêu cầu khách tham gia phải đeo găng tay để tránh chạm vào chất độc trên một số cây nấm. Khi cắt nấm, cần cắt ngang thân cây, giữ phần rễ để nấm sinh trưởng vào mùa sau. Nấm sau khi hái về cần phân loại thêm lần nữa để tránh lẫn nấm độc.
“Các loại nấm rừng ăn được có giá trị dinh dưỡng cao, giá bán ở ngoài thị trường từ 500.000 đồng mỗi kg tùy loại”, anh Dũng chia sẻ.
Chị Kỳ Duyên, hướng dẫn viên đã dẫn khách đi hái nấm gần 10 năm ở Đà Lạt, cho biết người dẫn tour này đa phần là dân địa phương quen đi rừng, có kinh nghiệm phân biệt các loại nấm. Khi dẫn tour, hướng dẫn viên thường chuẩn bị giỏ đựng, dao, bao tay, áo mưa cho khách. Chị Duyên nói hoạt động này thu hút cả khách tham gia tự túc. Hái nấm nhẹ nhàng hơn các chuyến trekking rừng, nhưng tiềm ẩn rủi ro ngộ độc với những du khách tham gia không có người bản địa hướng dẫn.
Chị Duyên cho rằng những du khách không nhiều kinh nghiệm đi rừng, chưa đủ tự tin phân biệt các loại nấm không nên tự ý đi hái. Du khách nên chọn người hướng dẫn là dân bản địa, thông thạo địa hình vì “mải mê tìm nấm dưới gốc cây rất dễ bị lạc hướng trong rừng”. Dân bản địa cũng có tay lái cứng khi di chuyển đường rừng, có thể chở khách bằng xe an toàn, đồng thời quen thuộc với việc nhận diện từng loại nấm.
Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Đà Lạt, cho biết các hoạt động hái nấm rừng quen thuộc với du khách từ lâu nhưng đây không phải là sản phẩm du lịch chính thức của thành phố. Các chương trình hái nấm thường do người địa phương chủ động tổ chức, liên hệ với du khách. Giá cả và các vấn đề rủi ro ngộ độc nấm, lạc đường thuộc trách nhiệm của đơn vị tổ chức. Hiện, thành phố chưa có phương án phát triển hoạt động này thành sản phẩm du lịch cụ thể.
“Để làm thành sản phẩm tour, các đơn vị cần gửi đề xuất lên thành phố để phê duyệt”, ông Kiệt nói.
Bích Phương